Dây chuyền sản xuất linh hoạt theo công nghệ Australia
Nhận yêu cầu kiểu dáng, kích thước nhà hoặc bản vẽ kiến trúc, kỹ sư chỉ cần nhập dữ liệu vào phần mềm lập trình sẵn. Phần mềm tự động lên bản vẽ 2D, 3D, báo giá, tính toán danh mục đầu tư và dữ liệu sản xuất cần để xây dựng hoàn chỉnh khung nhà thép. Các thông số do phần mềm tính toán được chuyển đến máy gia công. Các cấu kiện như cột, kèo, xà gồ, các liên kết hình chữ U, L... đều được tạo ra trên máy theo dữ liệu liên kết với phần mềm thiết kế và được in mã tự động. Tất cả phụ kiện này sau đó được vận chuyển từ xưởng đến địa điểm xây dựng. Người thi công chỉ cần nhìn mã in trên phụ kiện, kết nối chúng lại theo bản thiết kế.
Đây là quy trình sản xuất các cấu kiện, phụ kiện nhà thép tiền chế, dựa trên dây chuyền thiết bị do công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt thiết kế và hoàn thiện theo một dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia và công nghệ chuyển giao từ Australia. Kỹ sư Nguyễn Tính, bộ phận nghiên cứu và phát triển của công ty, khẳng định: "Cách làm này giúp giảm 30% thời gian thi công khung nhà thép tiền chế, các công đoạn xây dựng nhà dân dụng chỉ cần 2 nhân công là đảm nhận được việc của 7 người thực hiện theo cách truyền thống".
Sau ba năm nghiên cứu, Thép Việt đã phát triển thành công hai dòng sản phẩm là LightShed (dây chuyền sản xuất kết cấu nhà thép nhẹ dành cho nhà công nghiệp) và Lightframe (dành cho nhà dân dụng). Mỗi dòng máy có phần mềm và máy sản xuất cấu kiện riêng.
Kỹ sư Kiều Huỳnh Sơn, chủ nhiệm đề án chia sẻ, việc thiết kế toàn bộ máy móc từ bản vẽ ban đầu của đối tác Australia rất phức tạp vì mỗi thiết bị đòi hỏi hơn 5.000 chi tiết. Đội ngũ phải thử nghiệm và điều chỉnh nhiều lần mới thành công.
Dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép tiền chế là dự án nằm trong Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tiến sĩ Đỗ Quốc Quang - thành viên Ban chủ nhiệm chương trình cho biết, công nghệ này đã triển khai tại Australia và nhiều quốc gia nhưng chưa phổ biến tại Việt Nam. Làm chủ công nghệ, doanh nghiệp trong nước không phải tốn nhiều ngoại tệ nhập thiết bị từ nước ngoài. Năm 2015, được sự hỗ trợ của Bộ, công ty Thép Việt đã chuyển giao bản vẽ thiết kế máy xà gồ từ Australia, đầu tư nghiên cứu và hoàn thiện thiết kế.
Tiềm năng cho ngành xây dựng Việt Nam
Tiến sĩ Quang cho biết, công nghệ xây nhà thép tiền chế đã có tại Việt Nam, được xem là xu hướng xây dựng tiên tiến vì sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm, lắp đặt nhanh, thân thiện môi trường và có tính kinh tế cao. Nhưng công nghệ trước đây chỉ phù hợp các công trình quy mô lớn như nhà xưởng công nghiệp vì mỗi phụ kiện chỉ được làm từ một máy riêng biệt. Các công trình nhỏ, nhà dân dụng khó áp dụng rộng rãi do đòi hỏi quá nhiều chi tiết, sản xuất ít khiến đội giá thành. Thành công trong việc tạo ra dây chuyền sản xuất linh hoạt mở ra tiềm năng cho ngành công nghiệp sản xuất thanh thép lĩnh vực xây dựng, xây dựng nhà thép dân dụng, nhà thép có thiết kế đặc biệt.
Với nhà thép công nghiệp, công ty Thép Việt xây dựng một hệ thống kiểu, mẫu nhà tiêu chuẩn, có thể tùy chỉnh kích thước dài - rộng - cao theo yêu cầu thiết kế. Nhà dân dụng kiểu mẫu đa dạng phụ thuộc vào sáng tạo của kiến trúc sư nên không có mẫu chung. Các cấu kiện xây dựng khung nhà thép tiền chế được thiết kế và sản xuất riêng, lồng ghép vào nhau tạo thành các kết cấu dạng khung cho tường, sàn, mái từ đó tổ hợp nên ngôi nhà.
Nhóm thực hiện đề án "Hoàn thiện thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế" thuộc công ty Thép Việt vừa bảo vệ thành công đề án tại buổi báo cáo nghiệm thu cấp quốc gia kết quả khoa học công nghệ, tổ chức tại trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Tiến sĩ Đào Văn Hiệp, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu, đánh giá cao thành công của dây chuyền sản xuất cấu kiện linh hoạt nhà thép tiền chế, phù hợp xu hướng xây dựng tiên tiến.
Theo tiến sĩ Đỗ Quốc Quang, ngoài giá trị khoa học, điều đáng ghi nhận là sản phẩm này có khả năng thương mại hóa cao, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận ngay khi vừa ra mắt. Ông Kiều Huỳnh Sơn cho biết công ty đã xuất khẩu thành công 10 dây chuyền đồng bộ cho các đối tác đến từ các thị trường khó tính như Australia, Đài Loan, Malaysia, Bờ Biển Ngà... "Tổng giá trị chuyển nhượng cho các đối tác từ hơn 30 quốc gia ước tính đạt 1,5 triệu USD. Doanh thu của công ty cũng tăng 20% kể từ khi áp dụng dây chuyền mới này", ông Sơn xác nhận.
Nguồn: Gia Nguyên